Trong lúc các doanh nghiệp ồ ạt xin chuyển đổi dự án sang nhà thu nhập thấp, hệ thống ngân hàng thì viện dẫn nguyên nhân do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội nên việc giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ bị chậm trễ, tuy nhiên, tìm hiểu thực tế tại một số dự án nhà thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội đã đưa vào sử dụng, tình trạng ế ẩm đang khiến các chủ đầu tư không khỏi đau đầu.
Trái ngược với tình trạng người dân chen nhau nộp hồ sơ đăng ký mua trước đây, giờ đây những dự án này đang ế, vắng khách mua. Một vấn đề đáng lưu tâm hơn nữa là, xuất hiện tình trạng nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà gần đây bỗng dưng... xin trả lại nhà.
Ồ ạt xin trả nhà
Dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông) do Công ty CP Bêtông Xuân Mai (Vinaconex Xuân Mai) làm chủ đầu tư. Thời điểm này dự án đã bàn giao nhà và đưa vào sử dụng 3 tòa chung cư cao 19 tầng, với hơn 860 căn hộ. Tiếp nối thành công từ dự án thí điểm nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) nên dự án Kiến Hưng của Vinaconex Xuân Mai cũng được rất nhiều khách hàng quan tâm.
Tìm hiểu từ Vinaconex Xuân Mai, đơn vị chủ đầu tư thì mặc dù đã bàn giao nhà từ đầu năm 2013 đến nay nhưng số người dọn đến ở mới chưa đầy 80%. Việc nhiều khách hàng chậm đến nhận bàn giao nhà, vào ở còn có thể giải thích được vì nhiều lý do như kiêng kị, ổn định công việc, chỗ học hành của con cái… Tuy nhiên, từ khi bàn giao nhà đến nay đã có nhiều khách hàng làm đơn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng.
Dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông)
Theo thông tin từ chủ đầu tư, tính tổng số những khách hàng làm đơn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng tại dự án Kiến Hưng này từ trước tới nay là trên 30 người. Tìm hiểu thực tế tại 3 tòa nhà chung cư tại dự án Kiến Hưng thì hiện có 7 hộ đã trả lại nhà, thanh lý xong hợp đồng và các căn hộ này còn trống chưa có người mua thay thế, còn số người đã làm đơn xin thanh lý hợp đồng là khá nhiều.
Chị Nguyễn Thị Ly, cán bộ quản lý của chủ đầu tư tại khu nhà thu nhập thấp Kiến Hưng cho biết, lý do được khách hàng đưa ra chủ yếu là do kinh tế khó khăn, không đủ khả năng chi trả. “Chủ đầu tư cũng đang cố gắng hết sức mình để tạo điều kiện như giãn tiến độ nộp tiền cho khách hàng để khách hàng có đủ thời gian xoay xở. Thậm chí, chúng tôi còn phải đến tận nhà nhiều khách hàng để động viên họ cố gắng bởi nếu thanh lý hợp đồng thì trong bối cảnh thị trường bất động sản điêu đứng như hiện nay, số căn hộ đó chủ đầu tư muốn bán cũng không dễ dàng gì bởi không có người mua. 7 căn hộ mà khách hàng trả lại còn trống, chúng tôi đã thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khá lâu nhưng vẫn chưa có khách mua”.
Trả lại nhà vì sống biệt lập, thiếu cơ sở hạ tầng
Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai cho biết, những trường hợp chưa nhận nhà mà trả lại phải nộp phạt 5% tiền theo giá trị hợp đồng mua nhà, nhưng công ty chỉ phạt theo giá trị hợp đồng đóng tiền mua nhà đợt 1, vào khoảng 11 triệu đồng. Hầu hết các trường hợp xin thanh lý hợp đồng đều chỉ đưa ra một nguyên nhân chung chung là đủ khả năng tài chính và chấp nhận nộp phạt.
Qua khảo sát của phóng viên Báo CAND, thực tế các căn hộ đã hoàn thiện tại khu nhà thu nhập thấp Kiến Hưng được chủ đầu tư xây dựng với chất lượng khá tốt, các loại trang thiết bị nội thất của căn hộ cũng là những thiết bị chất lượng cao. Đây chắc chắn sẽ là căn nhà mơ ước với rất nhiều người thu nhập thấp đang gặp nhiều khó khăn về nhà ở. Không lẽ nào, những người đang có khó khăn về nhà ở mua được rồi lại nhất quyết xin… trả lại?
Một người trả lại nhà nói với chúng tôi: Một vấn đề khá quan trọng nữa là do hạ tầng dự án chưa hoàn thiện, khó khăn cho việc sống và sinh hoạt của cư dân. Ba tòa nhà cao tầng nằm biệt lập với bốn bề là ruộng lúa, không trường học, không chợ, không đèn đường… Đó là vài nét chấm phá về hạ tầng của dự án hiện tại, không như quảng cáo ban đầu là “một khu nhà ở văn minh, hiện đại”. Khi dọn về ở, người dân mới giật mình bởi cuộc sống biệt lập, thiếu thốn.
Chị Trần Ngọc Hoa, cư dân ở đây tâm sự, hằng ngày chị phải đưa con về tận nơi ở cũ ở Thanh Xuân để học, chợ búa cũng phải đi rất xa, may đợt này cũng đã có một vài người vào khu vực này buôn thúng bán mẹt nên đỡ phải đi xa hơn, còn buổi tối thì rất ngại đi ra ngoài, chỉ khi có việc thực sự cần mới dám đi bởi đường sá tối tăm mà lại quá vắng vẻ.
Tìm hiểu thực tế tại khu nhà Kiến Hưng này, không chỉ người chưa nhận nhà xin trả lại, khá nhiều người đã sở hữu được căn hộ thu nhập thấp, đã vào ở cũng muốn bán lại nhà. Tuy nhiên theo quy định, nếu bán lại phải bán cho chủ đầu tư, nên không ít người đã “bán chui”. Tất nhiên, mua bán kiểu này chứa đựng rất nhiều rủi ro, vì trên danh nghĩa, chủ sở hữu vẫn mang tên chủ cũ.
Theo một cán bộ quản lý của chủ đầu tư tại đây thì những trường hợp “bán chui”, cho thuê mướn lại căn hộ rất khó kiểm soát. Cơ quan chức năng, Công an phường Kiến Hưng cũng thường xuyên kiểm tra nhưng với việc “lách” bằng lý do cho ở nhờ thì rất khó cho cơ quan chức năng có thể xử lý. Còn đối với đơn vị quản lý thì hằng tháng tiền điện, tiền nước, tiền phí vẫn là tên chủ đứng tên nộp thì cũng không thể xử lý được.