“Hiện tượng các bạn trẻ bày tỏ tình cảm với Đại tướng những ngày này cho ta niềm tin rằng, sự nghiệp của “thế hệ vàng” sẽ có người kế tiếp”, ông Vũ Khoan nói.

“Thủ lĩnh” tinh thần

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: Dù chưa chính thức phát tang và tới ngày 12/10 mới tiến hành Quốc tang để tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng song “dân tang” đã bột phát ngay từ khi tin dữ lan ra.

 

Và mấy ngày vừa qua, người Hà Nội chứng kiến một “sự kiện” rất hiếm thấy là cả một dòng người tưởng như vô tận tự động đổ về ngôi nhà 30 đường Hoàng Diệu – nơi Đại tướng ở gần sáu chục năm qua để vĩnh biệt người quá cố.

 

Dòng người ấy bao gồm đủ lứa tuổi, vùng miền, ngành nghề, số phận, không ai bảo ai đều xếp theo hàng lối hết sức trật tự với nét mặt đượm nỗi đau buồn, trang nghiêm, thành kính. Trong dòng người ấy đặc biệt có rất nhiều nam nữ thanh niên chỉ biết đến Đại tướng qua lời kể của ông bà, cha mẹ và qua sách báo, phim ảnh.

 

vũ khoan, đại tướng, võ nguyên giáp

Chiều tối ngày 10/10, vẫn rất đông người xếp hàng chờ đến lượt viếng Đại tướng.

Tôi cứ tự hỏi: điều gì đã làm nên “hiện tượng” hiếm có này?

 

Điều dễ hiểu là ai ai cũng muốn trực tiếp bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với một vị tướng tài ba đã có công lớn với non song đất nước, một con người góp phần “làm nên lịch sử”, đem lại độc lập cho giang sơn, hòa bình cho đất nước, vinh quang cho dân tộc.

 

Ẩn sau tình cảm tự nhiên ấy có lẽ còn là ý nguyện bày tỏ sự tôn kính, niềm khát khao về những giá trị cao quý vĩnh hằng của người Việt Nam mà ông là một biểu tượng như tinh thần vì nước vì dân, cuộc sống nhân đức thanh tao, ung dung tự tại, trí tuệ minh triết…

 

Người ta thường nói “sự nghiệp cách mạng là của quần chúng nhân dân”, chân lý đó là vĩnh hằng nhưng nhân dân không thể làm nên sự nghiệp nếu không có “thủ lĩnh” và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người trong số đó – những học trò xuất sắc của Bác Hồ.

 

Đối với ông, khi sống thì được dân tin yêu, khi ra đi được dân thương nhớ. Ở ông còn một nét độc đáo nữa là được bạn bè quốc tế quý mến, thậm chí cả đối phương cũng phải nể trọng.

 

Như vậy ông không chỉ là thủ lĩnh do cương vị mà còn là thủ lĩnh tinh thần do tài ba và nhân cách. Điều đó một lần nữa cho thấy một thủ lĩnh cần hội tụ cả hai phẩm chất: tài và đức mà Đại tướng là một tấm gương sáng.

 

Không bao giờ “nêu ý kiến chỉ đạo”

 

Từng có nhiều dịp tiếp xúc, làm việc với Đại tướng, vậy ông đã học được điều gì ở Đại tướng? Theo ông, bên cạnh việc bày tỏ niềm tiếc thương Đại tướng, thế hệ ngày nay nên học gì ở Đại tướng?

 

- Ông giống như một vĩ nhân, với biết bao điều đáng học tập, noi theo. Tôi chỉ là một cán bộ thuộc loại đàn em, thậm chí là hàng con cháu của ông, chẳng dám nghĩ tới những điều to tát mình chẳng đủ khả năng vươn tới mà chỉ xin chia sẻ đôi điều tôi trực tiếp cảm nhận được qua nhiều dịp được gặp ông.

 

Thứ nhất là sự giản dị, đối xử rất “con người” với mọi người xung quanh cho dù cách biệt rất xa về cương vị. Tuy là “Đại tướng” nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông ứng xử với bọn cán bộ “quèn” chúng tôi như “ông tướng” mà lúc nào cũng ân cần, cởi mở như người thân.

 

Nói tới “Anh Văn” (lớp chúng tôi vẫn quen gọi ông bằng cái tên lột tả hết nhân cách của ông như vậy) trong tôi lúc nào cũng hiện lên nét mặt thông minh, nụ cười rạng rỡ, giọng nói sang sảng.

vũ khoan, đại tướng, võ nguyên giáp
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Điều thứ hai là sự tận tụy với công việc, “Đảng giao việc gì làm việc nấy, làm hết sức mình” như ông chia sẻ.

 

Tôi được tiếp xúc nhiều với ông kể từ đầu những năm 80 thế kỷ trước, khi ông thôi làm Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh mà đã chuyển sang phụ trách lĩnh vực khoa – giáo.

 

Lúc ấy ta có nhờ cậy Liên Xô trước đây giúp phát triển khoa học công nghệ; tôi lại chuyên về quan hệ với Liên Xô ở Bộ Ngoại giao nên có nhiều dịp giúp việc cho ông trong quan hệ với bạn. Tôi thấy ông hết sức tận tụy, say mê với công việc, ra sức tìm hiểu qua các nhà khoa học ở nước ta và ở nước bạn, ngày đêm trăn trở tìm đường đưa khoa học công nghệ nước nhà đi lên, trong đó ông đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp trồng người là phát triển giáo dục.

 

Thậm chí khi ông đã già yếu, nhưng lần nào gập ông trong bệnh viện ông cũng vẫn trăn trở về các lĩnh vực này.

 

Nhân đây tôi cũng xin chia sẻ một điều nữa là ngay lúc ấy ông đã rất quan tâm đên “kinh tế biển” và trực tiếp đóng góp vào việc xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực trong yếu này của đất nước. Những điều kể trên cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của ông không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà ông là một bậc thầy mà cả trong các lĩnh vực khác.

 

Điều thứ ba là nhân cách tự trọng, tự tin. Được phân công sang một lĩnh vực mới mẻ nhưng lần nào gặp ông cũng chia sẻ niềm tin sắt đá vào sự nghiệp. Luôn ung dung tự tại, không mảy may để những suy nghĩ riêng tư lung lay niềm tin của mình.

 

Điều thứ tư là thái độ thực sự cầu thị, lắng nghe cấp dưới.

 

Nhiều lần tôi được ông cho gọi sang trao đổi về tình hình quốc tế và quan hệ quốc tế của nước ta; bao giờ ông cũng gợi mở, trao đi đổi lại, thậm chí tranh luận chứ không bao giờ “độc thoại”, đưa ra “ý kiến chỉ đạo”. Thậm chí trong nhiều trường hợp ông còn hỏi han, khai thác kiến thức của chúng tôi, là cán bộ cấp dưới.

 

Điều cuối cùng, cuộc sống riêng và cuộc sống gia đình thanh tao, trong sạch. Tôi được quen chị Hà (phu nhân Đại tướng) và một số người con của ông, qua những lần tiếp xúc với họ tôi đều cảm nhận thấy không khí gia đình ấm cúng, con cháu của ông không làm “vương tướng” gì mà đều đi bằng đôi chân của mình, tự thân vận động. Được như vậy rõ ràng là có “tác động” của ông bằng cách “không tác động”.

 

Ông nghĩ thế nào khi có người nói Đại tướng là nhân vật cuối cùng của “thế hệ vàng”?

 

-Quả thật, ông là người cuối cùng trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc gia khi nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 (đến nay hẳn nhiên vẫn còn các đồng chí lão thành tham gia giai đoạn lịch sử ấy nhưng ở tầm địa phương, đơn vị).

 

Thế hệ vàng ấy không những đã để lại cho muôn đời sau cả một cơ đồ, sự nghiệp mà còn là tấm gương về nhân cách, về lẽ sống mà chúng ta cần cố sức duy trì, truyền lại cho lớp lớp con cháu mai sau.

 

Hiện tượng các bạn trẻ bày tỏ tình cảm với Đại tướng những ngày này cho ta niềm tin rằng, sự nghiệp của “thế hệ vàng” sẽ có người kế tiếp.

 

Thời thế đẻ anh hùng, anh hùng làm nên thời thế. Nói vậy thôi chứ trong lịch sử nước ta và cả lịch sử nhiều nước khác, có khi hàng trăm năm mới xuất hiện những vị anh hùng tầm cỡ như vậy.

 

Điều đó không có nghĩa là không có họ thì sự nghiệp không thành hoặc thậm chí tiêu tan. Thế vào đó là trí tuệ của quần chúng nhân dân, của tầng lớp tinh hoa, của các tập thể lãnh đạo. Vấn đề là làm sao quy tụ được cả ba nguồn trí tuệ đó lại thành sức mạnh chung thì sự nghiệp vẫn tiến bước.

(Theo vietnamnet.vn)

Bài viết liên quan:

Rà soát lương tại tất cả doanh nghiệp nhà nước

Rà soát lương tại tất cả doanh nghiệp nhà nước

(11/9/2013) Các bộ, ngành, địa phương phải tiến hành kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định về chính sách lao động và tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền trong thời gian từ năm 2010 đến 2012. Công văn số 1436/TTg-KTTH gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành ngày 10/9 cho biết, trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về đổi mới chính sách lao động, tiền lương phù hợp với tiến trình đổi mới...
Không cải cách doanh nghiệp NN, không ai 'chơi' với

Không cải cách doanh nghiệp NN, không ai 'chơi' với

(23/8/2013) Mặc dù đã là thành viên của một tổ chức thương mại lớn nhất thế giới như WTO, nhưng công cuộc cải cách DNNN của VN vẫn rất chậm chạp, thậm chí mù mờ. LTS: Yêu cầu cải cách, tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế nhà nước đang đặt ra hết sức bức thiết với VN. Đặc biệt, theo một số chuyên gia nhận định, đây đang là "bức tường" vô hình nhưng kiên cố gây trở ngại cho VN trước các "cuộc chơi" quốc tế, chẳng hạn như TPP (Hiệp định đối...
Các nước mới nổi hết thời “đầu tàu” tăng trưởng

Các nước mới nổi hết thời “đầu tàu” tăng trưởng

(14/8/2013) Động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển về phía các nền kinh tế phát triển, từ chỗ tập trung trong tay các nền kinh tế mới nổi vốn đóng vai trò "đầu tàu" tăng trưởng trong giai đoạn hậu khủng hoảng  tài chính Theo tờ Wall Street Journal, đây là lần đầu tiên kể từ giữa năm 2007, các nền kinh tế phát triển bao gồm Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trị giá 74 nghìn tỷ USD so với các...